Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_phòng_ngự_chiến_lược_Leningrad

Kết quả

Chiến dịch phòng ngự chiến lược Leningrad của quân đội đã không đạt được mục tiêu đề ra. Thành phố Leningrad bị quân đội Đức Quốc xã bao vây và phải trải qua gần 900 ngày sau, vòng vây đó mới bị phá vỡ. Quá nửa quân số tham gia chiến dịch (so với quân số ban đầu) đã thương vong. Chỉ nhờ vào những biện pháp động viên lực lượng dự bị huy động từ các quân khu trong nội địa, Quân đội Liên Xô mới có thể chặn đứng được cuộc tấn công của quân đội Đức Quốc xã trên hướng thành phố Leningrad và hướng Demyansk.

Quân đội Đức Quốc xã mặc dù chịu thương vong khá lớn nhưng đã đạt được hầu hết mục tiêu trong kế hoạch tấn công, trừ mục tiêu quan trọng nhất: đánh chiếm Leningrad. Không những thế, Tập đoàn quân 16 và cánh phải của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) còn tiến sâu hơn về hướng Đông Leningrad, uy hiếp các mục tiêu quan trọng như đầu mối giao thông Volkhov và thành phố Tikhvin, đe dọa cắt đứt Phương diện quân Bắc khỏi hậu phương của quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của chiến dịch, sức tấn công của quân đội Đức Quốc xã giảm dần, từ trên 10 km/ngày chỉ còn 2,5 km/ngày vào 20 tháng 9 năm 1941 và 1,5 km ngày vào ngày cuối cùng của chiến dịch.

Mặc dù sau khi bao vây Leningrad, quân đội Đức Quốc xã đã chiếm được Tikhvin trong chiến dịch tấn công tiếp theo, nhưng cũng giống như ở Rostov trên sông Đông, quân đội Đức Quốc xã chỉ trụ lại được ở đây không quá 10 ngày và phải rút quân bởi chiến dịch phản công chiến lược Tikhvin của Phương diện quân Volkhov (Liên Xô) mới được thành lập.

Đánh giá

Gần giống như các chiến dịch phòng thủ đầu tiên khi tiến hành cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, các cấp chỉ huy Liên Xô đã liên tiếp mắc thêm những sai lầm làm cho tình huống trên mặt trận ngày một khó khăn hơn cho họ. Sai lầm đầu tiên là việc bố trí quân trên tuyến phòng thủ Luga, nơi được xem là tuyến quyết định cho cuộc phòng thủ Leningrad. Cụm phòng thủ Luga của quân đội Liên Xô được bố trí rất mạnh gồm 1 sư đoàn xe tăng và 3 sư đoàn bộ binh cùng nhiều trung đoàn pháo binh. Cụm phòng thủ Kingisepp cũng được bố trí binh lực tương đương và còn có thêm hai sư đoàn bộ binh của hải quân và các hạ sĩ quan dự bị đang được huấn luyện. Chỗ yếu nhất trên phòng tuyến này chính là khu vực phía Tây Nam Novgorod, nơi chỉ có hai sư đoàn bộ binh vốn được điều động thay thế Tập đoàn quân 48 bị thiệt hại nặng trong trận phản công Soltsy đóng giữ. Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) đã khai thác triệt để sai lầm của các cấp chỉ huy Liên Xô và giáng đòn tấn công quyết định vào chính lỗ hổng này trên tuyến phòng thủ Luga của quân đội Liên Xô để đạt được những thành công quan trọng trên hướng Novgorod - Chudovo.[4]

Những lực lượng ở thê đội 2 của Phương diện quân Bắc gồm Sư đoàn xe tăng 21 và 3 sư đoàn bộ binh đều được ném ra tuyến Kingisepp để chặn đòn tấn công của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức), khiến cho Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc hầu như không còn lực lượng dự bị để trám vào lỗ thủng nghiêm trọng trên hướng Chudovo. Mũi tấn công của cánh trái Tập đoàn quân 16 phối hợp các sư đoàn xe tăng, cơ giới trên cánh phải Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đã loại bỏ tuyến phòng ngự Luga của quân đội Liên Xô và nhanh chóng tiến ra bờ hồ Ladoga, bao vây mặt Nam thành phố Leningrad. Cuộc chiến phòng thủ của 3 tập đoàn quân Liên Xô trên hướng Demyansk cho dù chặn được cuộc đột kích của Sư đoàn xe tăng 19 và 5 sư đoàn bộ binh Đức tại vùng đồi Valday nhưng không thể tác động nhiều đến tình hình mặt trận hướng Leningrad. Theo trình tự kế hoạch, quân đội Đức Quốc xã tiếp tục tấn công sâu hơn trên hướng Tây Bắc bằng Trận công kích Tikhvin trong một nỗ lực tấn công cuối cùng trên hướng Tây Bắc Liên Xô để bắt liên lạc với quân đội Phần Lan trước khi bắt đầu Chiến dịch "Cuồng phong" tấn công vào Moskva.[19]

Việc chuyển mục tiêu chiến lược từ nhiệm vụ đánh chiếm Leningrad sang nhiệm vụ bao vây thành phố này chứng tỏ quân đội Đức Quốc xã không đủ lực lượng để thực hiện ba mục tiêu chiến lược trong kế hoạch Barbarossa cùng một lúc. Sự kiện Quân đoàn xe tăng 39 và Quân đoàn cơ giới 56 được điều về hướng Moskva từ ngày 1 tháng 10 và sau đó là Tập đoàn quân xe tăng 4 được rút dần khỏi hướng Tây Bắc Liên Xô để chuyển sang hướng Tây Nam phản ánh sự thay đổi mục tiêu chiến lược của Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã. Cuộc chiến ở miền Tây Nam Liên Xô hứa hẹn đem lại lợi ích to lớn về kinh tế và quân sự nhưng cũng đòi hỏi một lực lượng lớn hơn những tính toán ban đầu của Hitler và bộ chỉ huy của ông ta. Đó là nguyên nhân trực tiếp từ phía Đức Quốc xã dẫn đến quyết định chuyển mục tiêu đánh chiếm Leningrad thành một cuộc bao vây dài ngày. Về phía Liên Xô, những đòn phản công liên tục, dù không thành công như mục tiêu ban đầu, cũng đã kìm hãm đáng kể tốc độ tấn công và làm tiêu hao nhiều lực lượng bộ binh và xe tăng Đức trên hướng Tây Bắc để cuối cùng, chặn đứng quân đội Đức Quốc xã trên tuyến Volkhov - Tikhvin, đồng thời làm tiêu tan hy vọng của quân Đức khi họ muốn nối trận tuyến với quân đội Phần Lan tại eo đất giữa hồ Ladoga và hồ Onega.[3]

Ảnh hưởng

Chiến dịch phòng ngự chiến lược Leningrad của quân đội Liên Xô không đạt được mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng tai hại đến thế trận của họ trên cánh Bắc của mặt trận Xô-Đức. Toàn bộ tỉnh Leningrad (trừ thành phố Leningrad và phần còn lại của eo đất Vyborg) rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã. Đòn tấn công đánh chiếm khu vực "cổ chai" Shlisselburg bên bờ hồ Ladoga đã đẩy Phương diện quân Leningrad và thành phố này vào tình trạng bị bao vây gần như hoàn toàn, chỉ còn có thể liên lạc được với "đất lớn" Liên Xô qua hồ Ladoga. Sau khi bao vây Leningrad, quân đội Đức Quốc xã còn rộng đường tiến đánh trên hướng Volkhov - Tikhvin, đe dọa tiến vào sau Tập đoàn quân 7 của Phương diện quân Karelia đang phòng ngự chống lại các cuộc tấn công của quân đội Phần Lan trên eo đất giữa hồ Ladoga và hồ Onega.

Mặc dù không chiếm được thành phố Leningrad nhưng Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã vẫn coi như nhiệm vụ đã hoàn thành khi họ cho rằng cái rét trên vòng Bắc Cực và nạn đói sẽ làm cho quân đội và người dân Leningrad phải hạ vũ khí. Ngày 18 tháng 9 năm 1941, trung tướng Franz Halder, Tổng tham mưu trưởng lục quân Đức Quốc xã viết:

Sau khi tính đến những nhu cầu về người tại khu vực mặt trận Leningrad, nơi mà đối phương đang tập trung một khối lượng lớn binh lực và phương tiện vật chất thì tình hình ở đây sẽ còn căng thẳng cho đến khi đồng minh tự nhiên của chúng ta sẽ đến, đó là nạn đói
— Franz Halder[25]

Tin tưởng rằng đã vô hiệu hóa hoặc kìm chân các lực lượng lớn của quân đội Liên Xô trên cánh Bắc của mặt trận phía Đông, quân đội Đức Quốc xã bắt đầu chuyển một phần lớn lực lượng xe tăng, thiết giáp về hướng Moskva để mở Chiến dịch "Cuồng phong". Hồi 11 giờ 30 ngày 18 tháng 9, trung tướng Kurt Brennecke, tham mưu trưởng Cụm tập đoàn quan "Bắc" (Đức) nhận được chỉ thị từ OKW yêu cầu điều chuyển Sư đoàn xe tăng 1 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4 cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Ngày 27 tháng 9, Sư đoàn xe tăng 19 và Sư đoàn cơ giới 36 (Đức) cũng được rút ra để điều đến Cụm tập đoàn quân Trung tâm.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_ngự_chiến_lược_Leningrad http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_07.html http://militera.lib.ru/db/halder/1941_09.html http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av5/01.html http://militera.lib.ru/h/kovalchuk_vm/01.html http://militera.lib.ru/h/leningrad/01.html